Nhiều hệ lụy khi thiếu hụt phương tiện tránh thai
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027-2028. Tình trạng này sẽ kéo theo nhu cầu dùng các phương tiện tránh thai (PTTT).
Tuy nhiên hiện nay nhu cầu chưa được đáp ứng về các dịch vụ KHHGĐ cũng như sử dụng các phương tiện tránh thai còn lớn. Trong khi đó, tuổi dậy thì có xu hướng sớm hơn trước kia, đồng thời tuổi quan hệ tình dục lần đầu ngày càng giảm dẫn đến nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai cũng có chiều hướng gia tăng. Các chuyên gia nhận định, việc thiếu hụt phương tiện tránh thai sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như: Gia tăng tình trạng mang thai ngoài ý muốn, không khống chế được mức sinh. Cùng với đó, tỷ lệ nạo phá thai, vô sinh thứ phát gia tăng, hậu quả làm tăng tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em.
Một nghiên cứu của UNFPA chỉ ra nếu thiếu 1 triệu USD trong việc hỗ trợ PTTT sẽ dẫn đến hậu quả làm tăng thêm 360.000 ca có thai ngoài ý muốn; 150.000 ca nạo phá thai; 800 ca tử vong mẹ và 11.000 ca tử vong trẻ sơ sinh.
ThS.BS Phạm Hồng Quân, Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818 (Tổng cục Dân số) cho biết, trước đây, người dân thực hiện chính sách KHHGĐ có nhu cầu về phương tiện tránh thai đều được Nhà nước cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay, việc các đối tượng được cấp miễn phí phương tiện tránh thai đã được thu hẹp quy định. Ngân sách Nhà nước cấp để mua phương tiện tránh thai có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, nước ta không còn thuộc diện được nhận viện trợ từ các nguồn vốn ODA.
Trước thực trạng đó, việc xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và hàng hóa KHHGĐ/SKSS; cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đây được coi là một trong những giải pháp huy động, đóng góp của xã hội, tăng đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số.
Sau 5 năm triển khai (2015 - 2020), Đề án 818 đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, góp phần cung cấp các sản phẩm, hàng hóa phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ có chất lượng đến với người dân ở nhiều địa phương trên cả nước.
Tiếp tục thực hiện xã hội hóa đáp ứng nhu cầu
Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế nhưng mức sinh còn biến động khó lường, vẫn còn 33 tỉnh/thành phố có mức sinh cao, thậm chí rất cao; nhu cầu phương tiện tránh thai vẫn tiếp tục tăng do số phụ nữ 15 - 49 tuổi vẫn tiếp tục gia tăng; tình trạng phá thai, vô sinh cao và có xu hướng tăng; nhu cầu tránh thai chưa đáp ứng vẫn còn cao, nhất là nhóm vị thành niên, thanh niên, người di cư ảnh hưởng đến việc cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và hạnh phúc của hàng triệu gia đình.
Theo Ông Nguyễn Đình Chung, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường (Tổng cục Thống kê), cứ 100 phụ nữ từ 15 - 49 tuổi đã kết hôn thì có 6 người không được đáp ứng nhu cầu KHHGĐ. Trong đó, miền núi trung du phía Bắc và Tây Nguyên là 2 vùng có nhu cầu về PTTT chưa được đáp ứng cao nhất trên khắp cả nước.
Thị trường phương tiện tránh thai chậm phát triển, chủ yếu là cung cấp viên uống tránh thai và bao cao su. Mặc dù nhà nước đã ban hành các chính sách khuyến khích, phát triển xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, nhưng mức độ phát triển còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu theo phân đoạn thị trường ngày càng đa dạng của từng nhóm đối tượng.
Để giải quyết những bất cập, hạn chế này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1848/QĐ-TTg về việc phê duyệt ngày 19/11/2020 Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030. Ngoài ra, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hoá cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng).
Theo đó, tập trung vào các nhiệm vụ chính như: Tuyên truyền vận động, cung cấp thông tin tạo môi trường xã hội đồng thuận, thúc đẩy, phát triển thị trường phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản, thị trường cung cấp dịch vụ và triển khai Đề án. Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và phát triển sản phẩm, dịch vụ của Đề án. Thí điểm các mô hình khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị tư nhân tham gia sản xuất, nhập khẩu, phân phối các sản phẩm Đề án.
Quỳnh Trang