Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là nỗ lực của nhà nước, xã hội để mỗi thành viên gia đình chủ động, tự nguyện quyết định số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh nhằm bảo vệ sức khỏe, nuôi dạy con có trách nhiệm, phù hợp với chuẩn mực xã hội và điều kiện sống của gia đình và xã hội. Như vậy, KHHGĐ không những giúp người dân chủ động sinh con, tránh có thai ngoài ý muốn mà còn giúp giảm phá thai, giảm vô sinh, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em có liên quan đến thai sản, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, sự ủng hộ của mọi tầng lớp Nhân dân, công tác Dân số của tỉnh, trong đó có chương trình KHHGĐ đã được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể như: Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009 - 2019 của tỉnh là 0,89%, thấp hơn tỷ lệ tăng bình quân của cả nước (tăng 1,15%) và vùng đồng bằng sông Hồng (tăng 1,42%); nhu cầu về dịch vụ KHHGĐ của người dân cơ bản được đáp ứng, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được quan tâm, ưu tiên hỗ trợ; mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ ngày càng được củng cố và phát triển; năng lực hệ thống cung ứng dịch vụ KHHGĐ cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình; xã hội hóa (XHH) cung ứng phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ KHHGĐ từng bước được mở rộng tới các nhóm đối tượng.... Những kết quả tích cực đó đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của tỉnh Ninh Bình cao hơn so với mức sinh thay thế: Năm 2012: 2,66 con/phụ nữ và đến năm 2020 giảm xuống còn 2,42 con/phụ nữ, cao hơn so với toàn quốc (2,09 con/phụ nữ) và đồng bằng sông Hồng là 2,35 con/phụ nữ. Tỷ lệ sinh con thứ 3 hằng năm tăng: Năm 2016: 18,35%, năm 2019: 29,25%, năm 2020: 30,43%. Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm nhẹ: năm 2016: 68,09%, năm 2020: 65,85%. Hằng năm, số người mới áp dụng các BPTT hiện đại không đạt kế hoạch giao, năm 2016: đạt 96,1%; năm 2019 đạt: 80,7%; năm 2020: 95,1%. 09 tháng đầu năm 2021, tổng các BPTT thực hiện là 36.797 ca (đạt 91,5% KH cả năm). Các biện pháp tránh thai lâm sàng luôn không đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao và chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số các BPTT thực hiện của năm: Năm 2016, tỷ lệ áp dụng các BPTT lâm sàng đạt 81,6% kế hoạch được giao, chiếm 27,9% tổng số BPTT hiện đại thực hiện trong năm (các BPTT phi lâm sàng tương ứng là 103,2% và 72,1%). Năm 2020, tỷ lệ áp dụng các BPTT lâm sàng đạt 86,2% kế hoạch được giao, chiếm 28,4% tổng số BPTT hiện đại thực hiện trong năm (các BPTT phi lâm sàng tương ứng là 99,2% và 71,6%). Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động nhân dân thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cơ bản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhất là ở vùng sâu, vùng xa, các xã khó khăn, đặc thù; các thông điệp truyền thông chưa kịp chuyển đổi phù hợp với biến động mức sinh của từng vùng, từng nhóm đối tượng,….Mặt khác, đối tượng được hưởng chính sách miễn phí PTTT bị thu hẹp, nguồn tiếp thị xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của đối tượng về chủng loại, sản phẩm, các hoạt động XHH PTTT chưa được triển khai sâu rộng, nhất là dịch vụ cung cấp các BPTT lâm sàng nên ảnh hưởng đến nhu cầu tiếp cận và sử dụng các BPTT của người dân.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), từ năm 2026 trở đi, duy trì một cách vững chắc mức sinh thay thế trên địa bàn toàn tỉnh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh, trước mắt hoàn thành chỉ tiêu các BPTT năm 2021 (40.200 người mới sử dụng các BPTT hiện đại), Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình tiếp tục tham mưu, triển khai hiệu quả Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 31/10/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 của tỉnh Ninh Bình, Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 30/6/2021 của UBND tỉnh, Kế hoạch số 100/KH-SYT ngày 07/9/2021 của Sở Y tế về việc thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Kế hoạch số 18/KH-SYT ngày 24/02/2021 của Sở Y tế triển khai đề án XHH cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 đảm bảo đa dạng hóa các PTTT để người dân dễ tiếp cận và lựa chọn cho mình một BPTT phù hợp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các nhóm đối tượng, như: lồng ghép trong hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; trên các phương tiện truyền thông đại chúng; các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; truyền thông hưởng ứng các hoạt động cao điểm và các sự kiện hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số và kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2021),…
Trịnh Hồng, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình