Lợi thế và thách thức của già hóa dân số
Một trong những xu hướng biến đổi mạnh mẽ gần đây là xu hướng già hóa dân số, trong đó người cao tuổi tăng cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số, vừa là cơ hội và thách thức cho sự phát triển bền vững. Chủ động đối mặt với thực tế của già hóa dân số, tìm ra những giải pháp tối ưu hóa lợi ích của già hóa dân số cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực của nó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng ta hiện nay.
Hiện nay, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế đang dựa trên phân loại của Cowgill và Holmes (1970) chia các mức độ già hóa của dân số như sau: khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% – 9,9% tổng dân số thì dân số được coi là “già hóa”. Tương tự, 10%-19,9% gọi là dân số “già”; 20%-29,9% gọi là dân số “rất già” và từ 30% trở lên gọi là dân số “siêu già”.
Trên cơ sở cách phân loại này, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ dân số trên 65 tuổi là 7,7% . Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỷ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi, đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.
Trước hết, phải khẳng định già hóa dân số là một thành tựu trong việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là chính sách y tế. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi năm 1999 lên tới 73,2 tuổi năm 2014; 73,6 tuổi năm 2019 và dự báo sẽ lên 78 tuổi vào năm 2030. Khi dân số người cao tuổi sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, tiếp tục tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế, điều đó sẽ mở ra các khả năng biến tuổi thọ thành tài sản cho xã hội. Vì vậy, người cao tuổi nên được xem như là một nguồn lực cho gia đình, cộng đồng, quốc gia và Nhà nước nên tạo điều kiện khuyến khích để họ tham gia đóng góp cho xã hội. Theo chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, già hóa dân số cũng cần được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực, dân số già hóa là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, dân số già hóa cũng gây ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế cũng như hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội. Dân số già hóa còn tác động mạnh đến mối quan hệ gia đình, lối sống, hệ thống an sinh xã hội. Trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác. Chẳng hạn, Thụy Điển mất tới 85 năm, Nhật Bản là 26 năm, Thái Lan là 22 năm, trong khi dự đoán ở Việt Nam chỉ khoảng 17 – 22 năm4 .
Điều này dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội. Thêm vào đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 70% vẫn phải làm việc kiếm sống, trong khi người cao tuổi rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế – xã hội khi con cái không có việc làm và cuộc sống ổn định. Ngoài ra, cơ cấu và mô hình bệnh tật người cao tuổi nước ta hiện nay đang thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính như các bệnh về xương khớp, hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa tăng nhanh, dẫn đến chi phí chăm sóc y tế rất cao và tất yếu tạo thêm áp lực quá tải cho các bệnh viện vốn chưa được giải quyết dứt điểm.
Các giải pháp để thích ứng với già hóa dân số
Nhận thấy tầm quan trọng của già hóa dân số, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ – CP ngày 31/12/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng XII về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 1679/QĐ – TTg ngày 22/11/2019 về phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, Quyết định số 1579/QĐ – TTg ngày 13/10/2020 về phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chung là chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số.
Thực hiện Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2021 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc triển khai thực hiện Chương trình
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Sở Y tế ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 của ngành Y tế tỉnh Ninh Bình. Kế hoạch được thực hiện chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2021-2025) tập trung chủ yếu vào tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi; xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi; phát triển mạng lưới tình nguyện viên, tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày; tổ chức triển khai mô hình trung tâm dưỡng lão có nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo phương thức xã hội hóa; Tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho phòng khám lão khoa, khoa lão khoa, khu giường điều trị người bệnh là người cao tuổi thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; Xây dựng bộ tiêu chí cấp xã thân thiện với người cao tuổi, triển khai mô hình; xây dựng, triển khai mô hình dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (mạng xã hội, internet,...); Xây dựng các tài liệu, chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, tập huấn;
các quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật; hệ thống chỉ báo thống kê; đánh giá đầu
vào; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, quản lý và theo dõi
chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Giai đoạn 2 (2026-2030) tập trung đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1. Lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của Chương trình đã triển khai có
hiệu quả; bổ sung các giải pháp để thực hiện các hoạt động chưa đạt hiệu quả
trong giai đoạn 1; Nhân rộng các mô hình đã triển khai thành công ở giai đoạn 1; Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mở rộng
các mô hình. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đạt các mục tiêu và chỉ tiêu
Việc thích ứng với già hóa dân số cần được coi là vấn đề ưu tiên, đòi hỏi các giải pháp kịp thời, toàn diện hướng đến tất cả các nhóm dân số để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa chứ không chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề của nhóm người cao tuổi; để triển khai có hiệu quả và đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu Kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 của tỉnh Ninh Bình; Sở Y tế đã đề nghị các cấp, các ngành và giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong ngành y tế tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao ý thức và hiểu biết của các nhà quản lý, hoạch định chính sách cũng như của toàn bộ cộng đồng về những thách thức của già hóa dân số với đời sống của người cao tuổi nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Thứ hai, trợ cấp xã hội cho nhóm người cao tuổi dễ tổn thương cần được mở rộng và tiến tới một hệ thống phổ cập cho mọi người cao tuổi, đặc biệt chú trọng hỗ trợ người cao tuổi ở nông thôn và phụ nữ cao tuổi. Mức hưởng và cách thức trợ cấp cần được xem xét cho phù hợp với điều kiện sống và sức khỏe của người cao tuổi. Việc xác định đối tượng cần phải cải cách để tránh sai sót trong việc chấp nhận hoặc loại trừ đối tượng.
Thứ ba, tăng cường chăm sóc sức khỏe, xây dựng và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi với sự tham gia tích cực, chủ động của mọi thành phần xã hội và nâng cao năng lực quốc gia về chăm sóc người cao tuổi. Trong đó, các công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức, ý thức về sức khỏe cho mọi lứa tuổi để chuẩn bị cho một tuổi già khỏe mạnh, tránh bệnh tật, thương tật và tàn phế. Xây dựng và củng cố mạng lưới y tế chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, đặc biệt là mạng lưới kiểm soát các bệnh mãn tính. Mạng lưới y tế này cần bảo đảm được sự tiếp cận thuận lợi cho các nhóm người cao tuổi thiệt thòi hoặc bất lợi như người cao tuổi ở nông thôn, phụ nữ cao tuổi hoặc người cao tuổi dân tộc ít người.
Thứ tư, tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong việc xây dựng, vận động và thực hiện chính sách cho già hóa dân số và người cao tuổi. Các hoạt động vận động gia đình, cộng đồng và toàn xã hội tham gia chăm sóc người cao tuổi cần được thúc đẩy và nhân rộng. Cần kết hợp với các cơ quan chuyên môn trong nghiên cứu và đề xuất việc đa dạng hóa cách thức, mô hình tổ chức cuộc sống cho người cao tuổi như sống cùng con cháu, sống tại nhà dưỡng lão hoặc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Tổ chức các hoạt động cộng đồng cho người cao tuổi một cách thường xuyên nhằm nâng cao hiểu biết và đóng góp ý kiến của người cao tuổi với các chính sách của Nhà nước cũng như đời sống của cộng đồng.
Thứ năm, nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên quy mô cả nước, thông qua cách tiếp cận liên thế hệ, tự giúp nhau dựa vào cộng đồng góp phần chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, chú trọng giúp đỡ người cao tuổi nghèo và cận nghèo. Hỗ trợ và tạo điều kiện thành lập Hội Người cao tuổi và Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở tất cả các địa phương để cung cấp cho người cao tuổi các dịch vụ miễn phí; đào tạo ban quản lý các hội người cao tuổi.
Thứ sáu, nhóm dân số trẻ sẽ phải chuẩn bị tốt hơn để bước vào tuổi già trong tình trạng khỏe mạnh và bảo đảm hơn về tài chính, điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết các vấn đề phát sinh khi già hóa dân số trong tương lai. Nâng cao nhận thức cho xã hội về việc tuổi thọ ngày càng cao, về thế hệ trẻ sẽ sống thọ hơn so với thế hệ trước; nâng cao nhận thức cho dân số trong độ tuổi lao động về tầm quan trọng tham gia bảo hiểm xã hội cũng như các chương trình tiết kiệm để có thu nhập ở tuổi già.
Với những giải pháp tiếp cận toàn diện hơn về già hóa dân số, vừa giải quyết các vấn đề hiện tại do tác động của già hóa dân số tới cả người cao tuổi và người trẻ tuổi, vừa phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội sẽ giúp Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng sẽ đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chủ động thích ứng với già hóa dân số.
Nguyễn Lân
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh NB